Những giấy tờ cần thiết khi lái xe tải và mức xử phạt nếu thiếu

NGÀY ĐĂNG: 02/04/2024 | DANH MỤC: Kiến thức

Các bác tài cần mang theo một số giấy tờ khi tham gia giao thông và vận chuyển hàng hóa, để tránh gặp phải những rắc rối không đáng có.

Ô Tô Phú Cường gửi đến các bác tài thông tin toàn diện và mới nhất về những giấy tờ cần khi lái xe tải và mức phạt đối với trường hợp thiếu giấy tờ.

I. Các loại giấy tờ bắt buộc cần mang theo khi lái xe tải tham gia giao thông

Người lái xe tải khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải mang theo các giấy tờ sau:

1. Giấy đăng ký xe ô tô

Đây là giấy tờ quan trọng nhất mà một chủ xe cần có để chứng minh quyền sở hữu của mình đối với xe.

Để làm thủ tục đăng ký xe, bạn cần nộp thuế trước bạ, đăng ký xe tại Cục cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt và đăng kiểm xe tại chi cục đăng kiểm.

Giấy đăng ký xe ô tô là giấy tờ bắt buộc mang theo khi lái xe

2. Giấy phép lái xe phù hợp với xe đang điều khiển

Đây là giấy tờ chứng minh khả năng điều khiển xe của người lái.

Tài xế xe tải cần có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe điều khiển và còn thời hạn.

Hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe:

Ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;

Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3500 kg;

Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3500 kg.

Hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe:

Ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3500 kg;

Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1.

Giấy phép lái xe cần phù hợp với xe đang điều khiển

Hạng C cấp cho người lái xe để điều khiển các loại xe:

Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế từ 3500 kg trở lên

Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế từ 3500 kg trở lên

Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2.

Hạng D cấp cho người lái xe để điều khiển các loại xe:

Ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;

Cấp cho người lái xe để điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2 và C.

Hạng E cấp cho người lái xe để điều khiển các loại xe:

Ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi;

Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C và D.

Người có giấy phép lái xe các hạng B1, B2, C, D và E khi điều khiển các loại xe tương ứng được kéo thêm một rơ moóc có trọng tải thiết kế không quá 750 kg.

Hạng F cấp cho người đã có giấy phép lái xe các hạng B2, C, D và E để điều khiển các loại xe ô tô tương ứng kéo rơ moóc có trọng tải thiết kế lớn hơn 750 kg, sơ mi rơ moóc, ô tô khách nối toa.

Hạng FB2 có thể lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng B2 có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1 và hạng B2.

Hạng FC có thể lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng C có kéo rơ moóc, ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C và hạng FB2.

Hạng FD có thể lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng D có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D và FB2.

Hạng FE có thể lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng E có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe: ô tô chở khách nối toa và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D, E, FB2, FD.

Giấy phép lái xe hạng C có thể điều khiển xe tải có trọng tải thiết kế từ 3500 kg trở lên

3. Giấy chứng nhận kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường

Đây là giấy tờ chứng minh xe đã được kiểm tra và đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Cần phải mang đầy đủ các giấy tờ xe đến các cơ quan trụ sở hành chính nhà nước để kiểm tra, nếu xe đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật môi trường thì sẽ được cấp giấy chứng nhận.

Người lái xe tải cần mang giấy tờ này theo mỗi khi tham gia giao thông.

Cần mang theo Giấy chứng nhận mỗi khi tham gia giao thông

4. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực

Chủ xe bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự và phải luôn mang theo bên mình khi tham gia giao thông.

Phí mua bảo hiểm có giá tùy theo tải trọng xe:

Dưới 3 tấn: 853.000 đồng

Từ 3 tấn đến dưới 8 tấn: 1.660.000 đồng

Từ 8 tấn đến dưới 15 tấn: 2.746.000 đồng

Trên 15 tấn: 3.200.000 đồng

Bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự và luôn mang theo khi lái xe tải

5. Giấy tờ tùy thân

Ngoài ra, người lái xe tải tham gia giao thông còn phải mang theo giấy tờ tùy thân (CMND/CCCD) và xuất trình khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền (điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

Giấy tờ tùy thân của tài xế cũng bắt buộc mang theo khi lái xe

Trên đây là các loại giấy tờ cần thiết và bắt buộc mà các bác tài lái xe tải tham gia giao thông phải trình ra mỗi khi bị đơn vị kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật.

Các bác tài xế cần chú ý tránh không để bị thiếu bất kỳ một loại giấy tờ nào trong danh sách này.

Vì nếu bị thiếu các bác tài sẽ bị xử phạt theo các mức tương ứng với mỗi giấy tờ thiếu.

II. Những giấy tờ cần thiết khi lái xe tải vận chuyển hàng hóa

Ngoài 5 giấy tờ bắt buộc phải mang theo khi tham gia giao thông, tài xế lái xe tải vận chuyển hàng hóa còn cần mang theo những giấy tờ sau:

6. Giấy vận tải (Giấy vận chuyển)

Giấy vận tải đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình vận chuyển hàng hóa trên đường.

Đây là một chứng từ pháp lý có giá trị xác nhận và chứng minh việc hàng hóa đang được vận chuyển từ điểm xuất phát đến điểm đích.

Đơn vị vận tải, khi phát hành giấy vận tải, thường sẽ đóng dấu và cung cấp cho lái xe.

Điều này giúp đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy của thông tin về chuyến vận chuyển và các bên liên quan.

Giấy vận tải có thể là văn bản giấy hoặc phải có thiết bị để truy cập vào phần mềm thể hiện nội dung.

Việc mang theo giấy vận tải sẽ giúp nhà nước dễ dàng quản lý trật tự an toàn giao thông.

Giấy vận tải rất quan trọng trong quá trình vận chuyển hàng hóa trên đường

Giấy vận tải bắt buộc phải bao gồm các thông tin tối thiểu sau:

Tên đơn vị vận tải: Thông tin xác định đơn vị chịu trách nhiệm vận chuyển hàng hóa.

Biển kiểm soát xe: Mã biển số của phương tiện vận chuyển hàng hóa.

Tên đơn vị hoặc người thuê vận tải: Thông tin về người hoặc đơn vị đã thuê hoặc yêu cầu vận chuyển hàng hóa.

Hành trình (điểm đầu, điểm cuối): Địa điểm xuất phát và đích đến của chuyến vận chuyển hàng hóa.

Số hợp đồng, ngày tháng năm ký hợp đồng (nếu có): Thông tin về hợp đồng vận tải liên quan đến chuyến hàng.

Loại hàng và khối lượng hàng vận chuyển trên xe: Mô tả loại hàng hóa được vận chuyển và khối lượng tương ứng trên phương tiện.

7. Sổ nhật trình chạy xe

Đây là tài liệu để ghi chú lại hành trình của tài xế cũng như giúp dễ dàng kiểm soát số lượng hàng hoá mà xe từng vận chuyển.

Sổ này sẽ giúp tài xế quản lý thông tin di chuyển dễ dàng hơn và cũng là một trong những giấy tờ bắt buộc phải có khi lái xe tải vận chuyển hàng.

Cần mang theo sổ nhật trình chạy xe khi lái xe tải vận chuyển hàng hóa

8. Phù hiệu xe chạy hợp đồng

Những loại xe chạy theo hợp đồng thì cần xin cấp loại phù hiệu xe chạy hợp đồng theo nghị định số 86/2014/ NĐ – CP.

Phù hiệu này cần còn hiệu lực và được gắn ở trên kính chắn gió phía bên phải lái xe, là nơi dễ quan sát và trong tầm nhìn khi lưu thông trên đường.

Phù hiệu do Sở Giao thông Vận tải cấp cho xe ô tô kinh doanh vận tải có giá trị 07 năm.

Hoặc theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải (từ 01 năm đến 07 năm) và không quá niên hạn sử dụng của phương tiện.

Phù hiệu xe phải được bảo quản kỹ càng, không được tẩy xóa hoặc sửa chữa các thông tin trên phù hiệu, khác với thông tin so với lúc đăng ký.

Phù hiệu cần còn hiệu lực và được gắn ở trên kính chắn gió phía bên phải lái xe

9. Giấy lưu hành cho xe quá khổ, quá tải

Đây là giấy tờ cho phép các loại xe ô tô quá khổ, quá tải được lưu hành trên đường bộ.

Khi điều khiển xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn trên đường bộ phải mang theo giấy này và tuân thủ các quy định được ghi trong giấy.

Nếu không có giấy này, trong trường hợp kiểm tra đo đạc mà xe tải của bạn vượt mức quy định thì bạn sẽ bị xử phạt hành chính.

Thời hạn của Giấy phép lưu hành cho xe quá khổ, quá tải không quá 60 ngày đối với:

Các xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn khi lưu hành không phải thực hiện các điều kiện bắt buộc như đi theo làn quy định, có xe hỗ trợ dẫn đường, hộ tống hoặc phải gia cường đường bộ.

Và lưu hành trên đường bộ, đoạn đường bộ đã được cải tạo, nâng cấp đồng bộ thì

Thời hạn của Giấy phép lưu hành cho xe quá khổ, quá tải không quá 30 ngày đối với:

Các xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn khi lưu hành không phải thực hiện các điều kiện bắt buộc như đi theo làn quy định, có xe hỗ trợ dẫn đường, hộ tống hoặc phải gia cường đường bộ

Và lưu hành trên đường bộ, đoạn đường bộ chưa được cải tạo, nâng cấp hoặc cải tạo, nâng cấp chưa đồng bộ.

Hoặc các xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng khi lưu hành phải thực hiện các điều kiện bắt buộc.

Như đi theo làn quy định, có xe hỗ trợ dẫn đường, hộ tống hoặc phải gia cường đường bộ.

Lưu ý thời hạn sử dụng của Giấy phép lưu hành xe phải nằm trong thời hạn hiệu lực của giấy đăng kiểm.

Khi điều khiển xe quá tải, quá khổ trên đường bộ phải mang theo giấy phép lưu hành

10. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vận tải

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vận tải là một loại giấy tờ pháp lý được cấp cho các doanh nghiệp hoặc cá nhân kinh doanh vận tải theo từng ngành nghề cụ thể.

Chứng minh rằng doanh nghiệp đã đáp ứng các điều kiện về kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật. 

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vận tải có thời hạn từ 5 đến 10 năm tùy theo loại hình vận tải.

Nếu trường hợp công ty không thuộc đối tượng cấp Giấy phép kinh doanh vận tải sử dụng phương tiện để vận chuyển hàng hóa.

Thì tại Giấy vận tải công ty ghi thêm thông tin về số lượng xe của đơn vị và thuộc đối tượng không phải cấp Giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu cho phương tiện để xuất trình khi lực lượng chức năng kiểm tra trên đường yêu cầu.

Trên cơ sở Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) và các giấy tờ này lực lượng chức năng sẽ xác định được là Công ty chỉ vận chuyển hàng nội bộ của đơn vị mình.

Cần mang theo giấy đăng ký kinh doanh vận tải khi lái xe

11. Các loại giấy tờ của người điều khiển phương tiện

Một số giấy tờ của người điều khiển xe tải cần có để xuất trình cho lực lượng chức năng khi có yêu cầu như:

Giấy chứng nhận tập huấn đã tham gia các khóa đào tạo lái xe cần thiết.

Giấy chứng nhận sức khỏe định kỳ của lái xe tải, đảm bảo tài xế lái xe trong trình trạng sức khỏe tốt.

Không mang giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ khi lái xe kinh doanh vận tải sẽ bị phạt

12. Các loại giấy tờ khác

Hợp đồng vận chuyển

Hợp đồng vận chuyển là cam kết thực hiện những thoả thuận của hai bên bằng văn bản, có tính pháp lý để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.

Nội dung hợp đồng vận tải hàng hóa gồm:

Số lượng hàng hoá

Thời gian, địa điểm nhận hàng

Thời gian địa điểm trả hàng

Cước phí, hình thức thanh toán, thời gian thanh toán

Quy cách tính chất hàng hoá.

Cách xếp dỡ, chằng buộc, chèn lót

Phương thức giao, nhận hàng hoá

Cách phòng hộ dọc đường khi có sự cố

Các điều kiện khác về: Hải quan, quản lý thị trường, kiểm dịch…

Những thỏa thuận khác về nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền hạn mỗi bên

Mang theo hợp đồng vận chuyển để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra

Giấy đi đường

Đây là loại giấy được cấp phép cho xe kinh doanh vận tải hàng hoá, thường sẽ được cấp cho từng đợt vận chuyển hàng hóa và tùy từng loại xe.

Đặc biệt, nó có thể sử dụng để hoạch toán các chi phí kinh tế, kỹ thuật và theo dõi các sự cố xảy ra trên đường.

Có tác dụng xác thực tính minh bạch và sự rõ ràng trong quá trình vận chuyển hàng hóa, tạo sự kiểm soát dễ dàng và nghiêm ngặt.

Là chứng từ để người lái xe giao dịch với chủ hàng, giao và nhận hàng hóa trên phương tiện của mình phù hợp với giấy gửi hàng.

Những nội dung thường xuất hiện trong giấy đi đường gồm có nơi đi, nơi đến, phương tiện sử dụng, số ngày công tác, lý do lưu trú,…

Phần do người lập giấy đi đường ghi

Thông tin đơn vị vận tải theo quyết định thành lập, ghi rõ địa chỉ trụ sở chính, số điện thoại, giấy đi đường và thời hạn giá trị của giấy đi đường 

Họ và tên lái xe, số giấy phép lái xe, số đăng ký xe và rơ mooc, trọng tải của xe và rơ mooc.

Ngày, tháng cấp giấy đi đường, và phải có chữ ký của thủ trưởng đơn vị.

Phần dành cho cơ quan kiểm soát ghi

Nhân viên kiểm soát và thanh tra, cảnh sát sử dụng mục này để ghi nhận thông tin có liên quan đến quá trình lưu hành của xe và người lái xe trên đường.

Tất cả những ghi nhận trong giấy đi đường phải có ngày, tháng, chữ ký và chức vụ cấp bậc của người ký.

Phần dành cho người lái xe ghi

Mục thuyết minh cần thiết cho lái xe ghi những lý do sự cố trên đường liên quan đến quá trình thực hiện vận tải như không tìm thấy chủ hàng hoạc xe hỏng quay về.

Chỉ số đồng hồ cây số khi rời đơn vị và khi về đơn vị, số hoá đơn xuất hàng, phiếu xuất kho, giấy gửi hàng kèm theo hoá đơn vận chuyển

Địa điểm giao, nhận hàng và địa điểm trả hàng, tên hàng vận chuyển, khối lượng vận chuyển cả bì ghi theo đơn vị trọng lượng và tấn thực tế của hàng hóa chở trên xe.

Phiếu thu cước

Phiếu thu cước do đơn vị vận tải lập, là chứng từ gốc phản ánh kết quả kinh doanh vận tải.

Chủ hàng sử dụng phiếu thu cước làm chứng từ xuất tiền trả cho đơn vị vận tải và xác nhận công việc vận chuyển và dịch vụ đã hoàn thành.

Trường hợp chở hàng lẻ, chủ hàng thuê chở từng chuyến hàng thì phiếu thu được lập cùng lúc với hợp đồng vận tải, làm chứng từ cho chủ hàng trả tiền cước trước khi vận chuyển.

Phiếu thu cước cũng là giấy tờ cần thiết mang theo khi lái xe tải

Giấy gửi hàng

Giấy gửi hàng là chứng từ pháp lý về hàng hoá được chở trên xe, giấy gửi hàng thay cho hoá đơn, phiếu xuất kho.

Đơn vị vận tải sử dụng giấy gửi hàng làm căn cứ chứng minh công việc vận chuyển đã hoàn thành, thanh toán thu cước phí vận chuyển.

Trường hợp lô hàng, chuyến hàng có người áp tải hoặc chủ hàng đi theo mà tiền cước vận chuyển đã được trả cho người lái xe thì không phải cần thiết phải lập giấy gửi hàng cho lô hàng, chuyến hàng đó. Người áp tải hoặc chủ hàng đi theo chịu trách nhiệm về lô hàng, chuyến hàng của mình.

Giấy gửi hàng được lập thành 4 liên giống nhau, liên thứ 1,2,3 được giao cho lái xe mang theo hàng hóa vận chuyển, liên thứ 4 được lưu ở chỗ gửi hàng.

Liên thứ 1, lái xe giao cho chủ hàng, 2 liên còn lại lái xe nộp cho đơn vị vận tải cùng với giấy đi đường của chuyến hàng đó.

Tất cả những giấy tờ trên đây đều cần thiết và quan trọng giúp đảm bảo rằng mọi quy trình vận chuyển và hoạt động liên quan đều diễn ra theo đúng quy định và an toàn.

Bác tài lưu ý mang đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết khi lái xe tải vận chuyển hàng hóa

III. Không mang những giấy tờ cần khi lái xe tải bị phạt bao nhiêu tiền?

Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, mức phạt không có giấy tờ xe ô tô như sau:

1. Giấy đăng ký xe

Nếu không có Giấy đăng ký xe theo quy định hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe đã hết hạn sử dụng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc); người điều khiển ô tô bị phạt từ 2 – 3 triệu đồng.

Ngoài ra còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 – 3 tháng, bị tạm giữ phương tiện đến 7 ngày trước khi ra quyết định xử phạt.

Trường hợp nếu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện (không có giấy tờ, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe hoặc giấy tờ, chứng từ nguồn gốc xe hợp pháp) thì bị tịch thu phương tiện.

Nếu không mang theo Giấy đăng ký xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc), người điều khiển ô tô sẽ bị phạt tiền từ 200.000 – 400.000 đồng.

Quên mang theo Giấy đăng ký xe sẽ bị phạt tiền từ 200.000 – 400.000 đồng

2. Giấy phép lái xe

Nếu không có giấy phép lái xe, hoặc sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc sử dụng giấy phép lái xe bị tẩy xóa, người điều khiển ô tô sẽ bị phạt từ 10 – 12 triệu đồng.

Khi người điều khiển phương tiện không mang theo giấy phép lái xe, sẽ phạt tiền từ 200.000 – 400.000 đồng.

Theo đó, nếu người lái xe có Giấy phép lái xe quốc tế được cấp bởi các quốc gia tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 (trừ giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo sẽ bị phạt từ 5 – 7 triệu đồng.

Điều khiển xe tải không có giấy phép lái xe sẽ bị phạt từ 10 – 12 triệu đồng

3. Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (Sổ đăng kiểm)

Điều khiển xe không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, trừ xe đăng ký tạm thời).

Hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) phạt tiền từ 4 – 6 triệu đồng.

Nếu Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 01 tháng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc), người điều khiển ô tô sẽ bị phạt từ 3 – 4 triệu đồng.

Người điều khiển xe không mang theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) phạt tiền từ 200.000 – 400.000 đồng.

Lái xe không có Giấy kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phạt từ 4 – 6 triệu

4. Bảo hiểm xe

Nếu người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn hiệu lực sẽ bị phạt từ 400.000 – 600.000 đồng.

5. Phù hiệu xe chạy hợp đồng

Đối với xe kinh doanh vận tải không dán phù hiệu mà lưu thông trên đường, không chỉ tài xế bị phạt mà ngay cả chủ xe cũng đồng thời bị xử phạt theo các mức sau:

Phạt tiền từ 5 – 7 triệu đồng khi điều khiển xe không có hoặc không gắn phù hiệu ô tô theo quy định về phù hiệu (đối với các xe có quy định phải gắn phù hiệu).

Hoặc có gắn phù hiệu nhưng đã hết giá trị sử dụng hoặc tự ý gắn phù hiệu ô tô không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện quy định về phù hiệu không gắn phù hiệu ô tô còn bị bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

Phạt tiền từ 12 – 16 triệu đồng đối với đơn vị giao phương tiện kinh doanh vận tải cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện vi phạm quy định về phù hiệu.

Phạt tiền từ 5 – 7 triệu đồng khi lái xe tải không có hoặc không gắn phù hiệu ô tô

6. Giấy vận tải

Nếu quên mang theo giấy vận tải thì người điều khiển xe sẽ bị phạt từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

IV. Một số lưu ý về những giấy tờ cần khi lái xe tải

1. Mang theo bản gốc các giấy tờ khi lái xe tải

Theo quy định của pháp luật, tài xế cần mang theo bản gốc các giấy tờ liên quan khi lái xe tải.

Điều này đảm bảo tài xế tuân thủ đầy đủ các quy định và yêu cầu của pháp luật và cơ quan chức năng.

Bản gốc các giấy tờ mang lại sự xác minh chính xác thông tin về tài xế, chủ sở hữu xe tải và hàng hóa được vận chuyển.

Trong trường hợp xảy ra sự cố, tai nạn,… bản gốc các giấy tờ sẽ giúp tài xế và các bên liên quan xác định được thông tin cần thiết và giải quyết tình huống một cách nhanh chóng.

Tài xế cần mang theo bản gốc các giấy tờ liên quan khi lái xe tải

2. Photo công chứng các loại giấy tờ để lưu giữ

Để đề phòng trường hợp bị mất, hư hỏng, hoặc sử dụng khi cần thiết, bác tài nên photo và lưu giữ thêm bản sao các giấy tờ.

Như giấy đăng ký xe ô tô, giấy phép lái xe, giấy tờ tùy thân, sổ đăng kiểm,…

3. Cập nhật các thông tin trên giấy tờ nếu có thay đổi

Khi có bất cứ thay đổi thông tin nào, các bác tài cần cập nhật trên giấy tờ cho đúng theo quy định pháp luật.

Vì nếu giấy tờ không hợp lệ, tài xế có thể bị xử phạt và gặp khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa.

Thêm vào đó, nếu gặp các sự cố hoặc vấn đề không may trong lúc lái xe cũng sẽ gây khó khăn khi giải quyết.

Cần cập nhật thông tin trên giấy tờ nếu có bất kỳ thay đổi nào

4. Đảm bảo các giấy tờ còn hiệu lực pháp lý

Các loại giấy tờ chỉ có giá trị khi còn hiệu lực theo quy định của pháp luật. Khi hết thời gian hiệu lực cần cập nhật kịp thời, đúng quy định.

Các cơ quan chức năng và lực lượng kiểm soát giao thông có thể kiểm tra và yêu cầu tài xế xuất trình giấy tờ.

Nếu giấy tờ hết thời hạn hiệu lực sẽ bị quy lỗi và có mức phạt theo quy định của pháp luật.

5. Không sử dụng giấy tờ giả

Sử dụng giấy tờ giả là một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có thể dẫn đến hậu quả pháp lý.

Bao gồm xử phạt, phạt tiền, tước giấy phép lái xe, hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, trong trường hợp xảy ra tai nạn hoặc sự cố, việc không có giấy tờ hợp lệ có thể sẽ không được bồi thường bảo hiểm hoặc gặp khó khăn trong việc giải quyết các yêu cầu bồi thường.

Do vậy, các bác tài tuyệt đối không sử dụng giấy tờ giả khi lái xe tải tham gia giao thông và vận chuyển hàng hóa.

Tuyệt đối không sử dụng giấy tờ giả khi lái xe tải

6. Giữ các giấy tờ gọn gàng, dễ tìm kiếm

Không ít trường hợp các bác tài cất giữ giấy tờ rồi quên mất mình đã cất ở đâu.

Hoặc để các loại giấy tờ lộn xộn, đến lúc cần thiết thì lại không tìm thấy, khiến mình bị phạt oan hoặc gặp rắc rối khi vận chuyển hàng.

Do vậy, cần giữ các giấy tờ gọn gàng, sắp xếp dễ tìm kiếm, để ở nơi sạch sẽ, dễ nhớ, tránh làm rách, làm bẩn.

Nên có 1 cái ví để chứa các loại giấy tờ, không nên để rải rác nhiều chỗ, khi cần gấp rất dễ quên và thiếu sót.

Nên có 1 cái ví để chứa các loại giấy tờ, an toàn và dễ tìm kiếm

Trên đây là thông tin toàn diện về những giấy tờ cần khi lái xe tải Ô Tô Phú Cường gửi đến các bác tài.

Các bác tài cần nắm và mang theo để tránh bị phạt khi lực lượng chức năng kiểm tra, cũng như thuận lợi khi vận chuyển hàng hóa, giải quyết sự cố.

Điều quan trọng là bác tài cần tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác.


Nếu các bác tài đang có nhu cầu mua xe tải chất lượng, giá tốt nhất thị trường, liên hệ ngay với Phú Cường để được tư vấn và nhận quà tặng hấp dẫn trị giá lên đến 100 triệu đồng.

*Xem ngay dòng xe tải JAC đang được nhiều khách hàng lựa chọn nhất và có những ưu đãi lên đến 100 triệu.

Otophucuong.vn