Lỗi không bật xi nhan xe máy và ô tô phạt bao nhiêu? (Cập nhật 2024)

NGÀY ĐĂNG: 02/04/2024 | DANH MỤC: Kiến thức

Bật đèn xi nhan là một hành động tuy đơn giản nhưng lại có nhiều tác dụng khi tham gia giao thông.

Giúp báo hiệu hướng đi, thuận tiện cho các phương tiện cùng lưu thông và hạn chế nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Qua bài viết này, Ô Tô Phú Cường chia sẻ đến bạn thông tin chi tiết và toàn diện nhất về cách sử dụng và lỗi đèn xi nhan thường gặp.

Giúp bạn biết cách sử dụng xi nhan đúng quy định pháp luật, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

I. Các lỗi đèn xi nhan và mức phạt tương ứng

Mức phạt đối với người điều khiển phương tiện không bật xi nhan được quy định cụ thể trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, cụ thể:

1. Đối với xe máy

Không có báo hiệu xin vượt trước khi vượt bị phạt từ 100.000 – 200.000 đồng (Điểm i khoản 1 Điều 6).

Chuyển làn không có tín hiệu báo trước (không xi nhan) phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng (Điểm i khoản 1 Điều 6).

Chuyển hướng không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp đi theo hướng cong của đường) bị phạt từ 400.000 – 600.000 đồng (Điểm a khoản 3 Điều 6).

Xe máy chuyển hướng không có tín hiệu báo hướng rẽ bị phạt từ 400.000 – 600.000 đồng

2. Đối với xe ô tô

Dừng, đỗ xe không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết phạt tiền từ 200.000 – 400.000 đồng (Điểm d khoản 1 Điều 5).

Chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước (trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm g khoản 5 Điều 5) phạt từ 400.000 – 600.000 đồng (Điểm a khoản 2 Điều 5).

Chuyển hướng không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp đi theo hướng cong của đường) phạt tiền từ 800.000 – 1.000.000 đồng (Điểm c khoản 3 Điều 5)

Lùi xe không có tín hiệu báo trước bị phạt từ 800.000 – 1.000.000 đồng (Điểm o khoản 3 Điều 5)

Không có báo hiệu trước khi vượt phạt từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng (Điểm d,g khoản 5 Điều 5)

Chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc bị phạt từ 4.000.000 – 6.000.000 đồng.

Kèm theo đó sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng (Điểm g khoản 5 và điểm b khoản 11 Điều 5).

Xe ô tô chuyển hướng không có tín hiệu báo hướng rẽ phạt tiền từ 800.000 – 1 triệu đồng

3. Đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng

Lùi xe không có tín hiệu báo trước phạt tiền từ 300.000 – 400.000 đồng (Điểm b khoản 2 Điều 7)

Dừng xe, đỗ xe không có tín hiệu báo trước bị phạt từ 300.000 – 400.000 đồng (Điểm g khoản 2 Điều 7)

Chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc bị phạt từ 800.000 – 1.000.000 đồng.

Kèm theo tước Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng giao thông đường bộ 01 – 03 tháng (Điểm d khoản 4 và điểm a khoản 10 Điều 7)

Lưu ý, ngoài bị phạt tiền, người vi phạm lỗi không bật đèn xi nhan còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng nếu gây tai nạn giao thông.

II. Các trường hợp phải bật đèn xi nhan khi tham gia giao thông

Thông thường, mỗi chiếc xe sẽ được trang bị bốn đèn xi nhan ở bốn vị trí bên trái, bên phải, phía trước và phía sau xe.

Khi người lái xe bật lên, đèn xi nhan sẽ chỉ sáng ở một bên trái hoặc phải.

Mục tiêu chính của chiếc đèn này là cung cấp tín hiệu rẽ cho những phương tiện khác đang lưu thông trên đường.

Đèn xi nhan cung cấp tín hiệu rẽ cho những phương tiện khác đang lưu thông trên đường

Theo Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008, 5 trường hợp phải phải bật đèn xi nhan gồm:

Sử dụng làn đường: trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường.

Người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép.

Khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.

Vượt xe: xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi

Chuyển hướng xe: khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.

Dừng xe, đỗ xe trên đường bộ: người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết.

Lùi xe: Khi lùi xe, người điều khiển phải quan sát phía sau, có tín hiệu cần thiết và chỉ khi nào thấy không nguy hiểm mới được lùi.

Khi chuyển làn đường phải có tín hiệu xi nhan báo trước và phải bảo đảm an toàn

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn, người tham gia giao thông nên bật đèn xi nhan trong các trường hợp sau:

Khi đi qua vòng xuyến: Bật xi nhan theo nguyên tắc “vào trái, ra phải”.

Tức là khi vào vòng xuyến thì xi nhan trái, khi ra khỏi vòng xuyến thì xi nhan phải.

Khi đi theo đường cong: Người điều khiển phương tiện giao thông đi vào đường cong (không phải ngã rẽ, chuyển hướng, chuyển làn) nên bật đèn tín hiệu báo rẽ.

Trường hợp thấy an toàn, không gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông phía sau hoặc chiều ngược lại, không bắt buộc phải bật đèn tín hiệu.

Khi lùi vào ngõ: Nên bật tín hiệu vì tầm quan sát của người lái xe hạn chế, khó điều chỉnh hướng xe và để tạo thuận lợi cho những phương tiện khác di chuyển.

Đi qua ngã 3 chữ Y: Nếu có biển báo ngã rẽ thì bật đèn tín hiệu như bình thường.

Nếu không có biển báo mà đi thẳng theo nhánh bên phải (từ chân chữ Y lên) thì không cần xi nhan.

Đi qua ngã 3 chữ T: Nếu xe rẽ phải hoặc trái thì bạn phải bật xi nhan trước khi rẽ.

Nếu xe đi thẳng theo đỉnh chữ T thì không cần, vì xe không chuyển hướng mà vẫn đang đi thẳng. 

Hướng dẫn cách sử dụng đèn xi nhan khi đi vào chỗ ghép xe (khi đỗ song song): Nên bật đèn xi nhan bên phía mà xe sẽ lùi vào.

Để những người đi đường khác nhận biết hướng để tránh hoặc nhường đường.

Khi đi qua vòng xuyến nên bật xi nhan để đảm bảo an toàn

III. Cần bật và tắt xi nhan bao xa và bao lâu?

Hiện tại, luật chưa quy định khoảng cách bắt buộc phải bật đèn xi nhan trước khi cho xe chuyển hướng.

Và cũng không quy định thời gian phải duy trì bật đèn xi nhan trong bao lâu.

Tuy nhiên, mục đích của việc bật đèn xi nhan là để các phương tiện khác nhận biết, giảm tốc độ, phòng tránh va chạm.

Do vậy, khi tham gia giao thông, bạn cần phải bật, tắt đèn xi nhan ở khoảng cách và duy trì thời gian hợp lý để đảm bảo an toàn.

Bật đèn xi nhan ở khoảng cách bao xa trước khi rẽ phụ thuộc nhiều yếu tố mà người điều khiển phương tiện cần phải cân nhắc.

Như mật độ giao thông, tốc độ di chuyển của phương tiện xin rẽ, trên đường cao tốc hay khu dân cư, điều kiện mặt đường khô hay ướt, trời sáng hay tối…

Để an toàn, tốt nhất người lái xe ô tô nên bật tín hiệu báo rẽ trước 25 – 30m và sau khi rẽ xong, duy trì thêm 5 – 10 m rồi mới tắt xi nhan.

Ở điều kiện giao thông nguy hiểm hơn thì thời gian bật đèn báo rẽ cần phải thực hiện sớm hơn để các phương tiện khác có nhiều thời gian hơn để xử lý.

Không nên bật xi nhan và lập tức chuyển hướng, chuyển làn…  sẽ khiến cho những người điều khiển phương tiện xung quanh bị bất ngờ, khó xử lý tình huống và có thể dẫn đến tai nạn.

Trường hợp, tắt xi nhan muộn quá cũng không nên, vì sẽ gây khó hiểu cho xe khác xung quanh.

Chú ý, mọi trường hợp bật đèn báo rẽ sau khi phương tiện đã chuyển hướng đều là vi phạm và có thể bị xử phạt theo quy định.

Luật chưa quy định khoảng cách bắt buộc phải bật đèn xi nhan trước khi chuyển hướng

IV. Cách sử dụng xi nhan đúng để tránh bị phạt

Bật xi nhan tuy đơn giản nhưng nếu thực hiện không đúng cũng sẽ gây khó khăn và nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Bạn cần nắm kỹ cách bật xi nhan đúng để tránh bị phạt cũng như an toàn hơn cho bản thân.

Cụ thể, Điều 15 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nêu rõ 4 quy định:

Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.

Trong khi chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ.

Nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.

Trong khu dân cư, người điều khiển phương tiện chỉ được quay đầu xe ở nơi đường giao nhau và nơi có biển báo cho phép quay đầu xe.

Không được quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, ngầm, trong hầm đường bộ, đường cao tốc.

Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất.

Khi muốn chuyển hướng phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ

V. Hướng dẫn 3 cách sử dụng đèn xi-nhan cho người mới lái ô tô

Thông thường xi-nhan sẽ có 3 chế độ sử dụng khác nhau, bao gồm thông thường, chớp sáng 3 lần và chớp sáng khi tài xế giữ cần gạt.

Hướng dẫn cách thức thực hiện từng cái chức năng của xi nhan:

Cách thứ nhất mà ai cũng biết là cách gạt hết. Bác tài sẽ gạt xi nhan xuống như bình thường khi báo hiệu hướng rẽ.

Lúc trả vô lăng lại, cần gạt sẽ tự động trả lại hoặc là tài xế có thể tự gạt lên. 

Cách thứ hai là chỉ cần gạt một nửa, không cần phải gạt xuống một cách hoàn toàn.

Xi nhan sẽ nhấp ba lần, rất là phù hợp khi mà bạn muốn báo hiệu chuyển làn trên cao tốc lúc ít người, không có xe phía sau.

Cách thứ ba là gạt cần gạt ở vị trí một nửa và giữ. Với cách này, xi nhan sẽ bật cho đến khi nào bạn thả cần gạt ra mới tắt.

Cách làm này phù hợp với những lúc mà xin đường hay vượt xe khác.

Đây là ba cách thức sử dụng xi nhan, nghe có thể rắc rối nhưng khi đã sử dụng quen thì có thể mang lại sự thuận tiện và an toàn cho tài xế khi đi đường.

Có 3 chế độ sử dụng xi nhan khác nhau phù hợp trong những tình huống cụ thể

VI. Một số thông tin cần biết khi sử dụng đèn xi nhan

1. Cần phân biệt đèn xi nhan với đèn cảnh báo nguy hiểm

Hiện nay vẫn còn nhiều bác tài không biết mà dùng sai chức năng của đèn cảnh báo nguy hiểm.

Tuy đều dùng cùng 1 loại đèn nhưng đèn xi nhan với đèn cảnh báo nguy hiểm có chức năng hoàn toàn khác nhau.

Đèn cảnh báo nguy hiểm có hình tam giác màu đỏ trên taplo, gọi là hazard light.

Đèn này dùng để cảnh báo các phương tiện xung quanh nếu xe gặp sự cố.

Như xe không đi nhanh được, phải dừng ở nơi cấm dừng, buộc phải dừng vì nhiều nguyên nhân trên đường như nổ vỏ, hư hỏng (hỏng điện thì đèn không thể bật được),…

Tuy nhiên cần xác định rõ ràng rằng đèn cảnh báo không phải dùng để xi nhan.

Người điều khiển phương tiện xe gắn máy và ô tô cần nắm vững quy định cách sử dụng đèn xi nhan và những trường hợp cần dùng.

Đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người tham gia giao thông để đảm bảo sự an toàn và sự thông suốt trên đường.

Cần phân biệt đèn xi nhan với đèn cảnh báo nguy hiểm

2. Những hư hỏng thường gặp của đèn xi nhan và cách khắc phục

Đèn xi-nhan không hoạt động

Đây là lỗi thường thấy ở hệ thống đèn chiếu sáng, bạn có thể kiểm tra và khắc phục vấn đề này 1 cách dễ dàng.

Bước 1: Kiểm tra bóng đèn bằng cách tháo gỡ lớp kính bảo vệ bên ngoài để có thể quan sát rõ ràng bóng đèn.

Bước 2: Kiểm tra xem dây tóc có bị cháy hoặc dứt hay không. Kiểm tra giắc xem nó đã bị gỉ sét hay ăn mòn không.

Bước 3: Nếu nhận thấy có dấu hiệu hư hỏng, thay thế bằng bóng đèn mới có cùng công suất.

Lỗi đèn xi-nhan không hoạt động rất thường hay gặp

Đèn xi nhan vẫn hoạt động nhưng đèn hazard lại hư

Đèn báo nguy hiểm thường được gắn chung 1 mạch điện với đèn xi-nhan.

Trong trường hợp đèn báo nguy hiểm không nháy mà đèn xi-nhan vẫn hoạt động 1 cách ổn định thì khả năng cao cục chớp đã bị hư hỏng. Hoặc có thể do mạch điện đã bị đứt hoặc hở

Cách xử lý

Bước 1: Kiểm tra cầu chì, điểm nối giữa cục chớp với công tắc đèn xi-nhan xem có đứt, lỏng không.

Bước 2: Xử lý nếu mạch điện bị đứt, hở nếu có.

Bước 3: Trường hợp mạch điện không có vấn đề, có thể cục chớp đã bị hư hỏng, cần thay thế.

Đèn xi nhan chớp quá chậm hoặc quá nhanh

Lỗi này xảy ra do khá nhiều nguyên nhân, nhưng thông thường thì chỉ có 4 nguyên nhân thường hay xảy ra nhất.

Thay thế sai cục chớp xi nhan hoặc lắp nhầm loại bóng đèn xi nhan cho kiểu xe của mình.

Một trong những bóng đèn xi nhan đã bị cháy.

Công tắc xi nhan có kết nối lỏng lẻo.

Kết nối nguồn điện kém.

Nếu đèn nhấp nháy quá nhanh, máy phát điện có thể đang sạc quá mức cho pin.

Nếu đèn nhấp nháy chậm hơn bình thường, rất có thể máy phát điện đang sạc kém hoặc pin có thể bị sạc thiếu.

Cách xử lý

Bước 1: Kiểm tra đèn xi nhan rơi vào những lỗi nào đề cập trên đây.

Bước 2: Kiểm tra lại mạch điện, nguồn điện và pin để khắc phục lỗi hư hỏng đèn xi nhan sớm nhất có thể.

Bước 3: Nếu không phải do nguồn điện, cần nhanh chóng thay thế loại bóng đèn khác phù hợp với kiểu xe.

Lỗi đèn xi nhan chớp quá chậm hoặc quá nhanh

Tất cả đèn xi-nhan đều không hoạt động

Thông thường rất hiếm khi tất cả các đèn xi nhan bị hỏng cùng lúc.

Nếu tất cả các bóng đèn xi nhan đều không hoạt động, khả năng cao là bị cháy cầu chì đèn xi nhan hoặc công tắc đèn hazard bị hư hỏng.

Cách xử lý

Bước 1: Tháo công tắc ra kiểm tra lại tiếp điểm tiếp xúc, có thể công tắc bị kẹt hoặc lỏng tiếp điểm nếu sử dụng lâu ngày.

Bước 2: Xử lý điểm tiếp xúc hoặc công tắc nếu có vấn đề.

Bước 3: Nếu không phải lỗi trên thì lúc này cần thay thế cầu chì bảo vệ mạch của cụm đèn xi nhan hoặc thay thế công tắc đèn hazard.

Đèn xi nhan sáng nhưng lại không nháy

Cách khắc phục lỗi đèn xi nhan sáng nhưng không nhấp nháy.

Bước 1: Trước tiên kiểm tra xem bóng đèn có bị cháy hay không.

Bước 2: Nếu bóng đèn không thì lỗi có thể nằm ở bộ phận chớp nháy hoặc công tắc xi nhan bị hỏng, cần phải thay mới ngay.

Trong trường hợp cả đèn báo nguy hiểm và đèn xi nhan đều sáng nhưng không nháy.

Nên kiểm tra lại toàn bộ bóng đèn và các hệ thống liên quan như kiểm tra toàn bộ giắc cắm xem có đoạn nào bị lỏng hay không.

Kiểm tra cầu chì, điểm nối giữa cục chớp, công tắc xi-nhan và công tắc khởi động. Kiểm tra mạch đèn xi-nhan.

Kiểm tra cầu chì, điểm nối giữa cục chớp khi đèn xi nhan sáng mà không nháy

Đèn xi nhan không hoạt động và cháy bóng liên tục dù đã thay bóng mới

Đối với trường hợp này, rất có thể nguyên nhân đến từ đường dây cấp điện 12v tới bóng đèn xi nhan.

Bước 1: Xác định vị trí ngắn mạch và tiến hành kiểm tra đường dây bên trong đèn.

Một số vị trí có thể gây ra sự cố như đường dây dẫn, lắp ráp bên trong cụm đèn headlight hay cụm đèn taillight.

Bước 2: Nếu có kinh nghiệm có thể tiến hành sữa tại nhà. Nếu không có kinh nghiệm thì nên mang xe đến gara kiểm tra tổng thể để xử lý triệt để, tránh mất thời gian.

Lưu ý rằng khi phát hiện ra đèn xi nhan bị hỏng cần phải sửa chữa, đi thay càng nhanh càng tốt.

Vì thiếu đèn xi nhan có thể dẫn tới những nguy cơ va chạm khi tham gia giao thông.

Khi đèn xi nhan bị hỏng cần phải sửa chữa ngay để đảm bảo lưu thông an toàn

Trên đây là tất cả những thông tin mà Ô Tô Phú Cường muốn gửi đến bạn về cách sử dụng và lỗi đèn xi nhan.

Mỗi người khi điều khiển xe máy, ô tô hãy cố gắng tạo cho bản thân thói quen bật đèn xi nhan khi cần.

Giúp đảm bảo an toàn cho bản thân người lái xe, đồng thời hạn chế va chạm với những phương tiện lưu thông cùng, góp phần cải thiện văn hóa giao thông.

Đồng thời, nên bảo dưỡng, bảo hành xe đầy đủ để kiểm tra các lỗi xe gặp phải và xử lý kịp thời.


Nếu bạn đang tìm mua xe tải chất lượng, giá tốt nhất thị trường, hãy liên hệ ngay Ô Tô Phú Cường để được tư vấn chi tiết và nhận nhiều ưu đãi trị giá lên đến 100 triệu đồng.

Ô tô Phú Cường là đại lý ủy quyền chính thức của nhiều thương hiệu xe tải nổi tiếng như: JAC, Dongfeng, Chenglong, Faw, SRM, Hyundai,… Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành, Phú Cường đã khẳng định được vị thế của mình trên thị trường xe tải Việt Nam.

Otophucuong.vn