Nghiệp vụ vận tải: Lái xe kinh doanh có cần giấy và thẻ tập huấn?

NGÀY ĐĂNG: 01/04/2024 | DANH MỤC: Kiến thức

Rất nhiều bác tài vẫn chưa biết mình có thuộc đối tượng phải tập huấn nghiệp vụ tài xế không, luật quy định như thế nào.

Ô Tô Phú Cường chia sẻ thông tin toàn diện nhất về quy định tập huấn nghiệp vụ tài xế, giúp các bác tài hiểu rõ và thực hiện nghiêm túc, tránh bị phạt oan.

I. Tập huấn nghiệp vụ tài xế là gì?

Tập huấn nghiệp vụ tài xế hay tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông là quá trình đào tạo, huấn luyện người lái xe và nhân viên phục vụ trên xe.

Để họ có đủ kiến thức chuyên môn, kỹ năng lái xe an toàn và hiểu biết về luật lệ giao thông.

Mục tiêu của tập huấn nghiệp vụ lái xe là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lái xe.

Từ đó giảm thiểu tai nạn giao thông và tạo ra môi trường giao thông an toàn, trật tự.

Tập huấn nghiệp vụ lái xe không chỉ giúp người lái xe nắm vững kỹ năng lái xe an toàn, mà còn giúp họ hiểu rõ hơn về quy định của pháp luật giao thông.

Ngoài ra, việc có chứng chỉ tập huấn nghiệp vụ cũng giúp người lái xe có cơ hội tìm kiếm công việc với mức lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn.

Tập huấn nghiệp vụ lái xe giúp người lái xe nắm vững kiến thức, kỹ năng lái xe an toàn

II. Quy định về tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông

1. Đối tượng tập huấn

Điểm c Khoản 3 Điều 34 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 quy định.

Đơn vị kinh doanh vận tải phải tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông cho người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe…

Theo đó, tất cả đơn vị kinh doanh vận tải ở mọi loại hình vận tải (trong đó có cả vận tải người và hàng hóa).

Đều phải tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông cho người lái xe và nhân viên phục vụ trên xe.

Tài xế và nhân viên phục vụ trên xe đều phải tham gia tập huấn nghiệp

2. Mục tiêu tập huấn nghiệp vụ vận tải

Mục tiêu chung

Trang bị cho người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe tại các đơn vị kinh doanh vận tải các kiến thức cơ bản liên quan đến nghiệp vụ vận tải, an toàn giao thông, đạo đức nghề nghiệp.

Để từ đó nâng cao nghiệp vụ của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe.

Đảm bảo chất lượng dịch vụ vận tải và an toàn giao thông trong kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Mục tiêu cụ thể

Về trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp

Tận tụy với công việc được giao, có ý thức giữ gìn, bảo vệ người, hàng hóa, phương tiện.

Tôn trọng, cảm thông và hết lòng phục vụ hành khách đi xe.

Luôn luôn có tinh thần hợp tác với đồng nghiệp, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành.

Tôn trọng luật pháp, thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ và những yêu cầu nghề nghiệp.

Trung thực, khách quan, có tinh thần học tập để nâng cao trình độ.

Về kiến thức

Có kiến thức cơ bản về nghiệp vụ vận tải bằng xe ô tô, một số nội dung lái xe cần lưu ý khi điều khiển phương tiện để đảm bảo an toàn giao thông.

Hiểu biết các quy định của pháp luật về vận tải đường bộ, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp.

Có hiểu biết để áp dụng được vào thực tế các nội dung, nhiệm vụ của người lái xe trong Quy trình đảm bảo an toàn giao thông.

Có kiến thức cơ bản để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thông thường xảy ra đối với hành khách khi đang lưu thông trên đường.

Tập huấn nghiệp vụ vận tải đảm bảo chất lượng dịch vụ và an toàn giao thông

3. Thời điểm tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông

Căn cứ Khoản 3 Điều 16 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định về thời điểm tập huấn:

Trước khi tham gia hoạt động kinh doanh vận tải.

Định kỳ không quá 03 năm, kể từ lần tập huấn trước đó

4. Chương trình tập huấn

Theo tài liệu và chương trình khung do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành.

Học viên tham dự khóa tập sẽ được các giảng viên, báo cáo viên giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực vận tải bằng xe ô tô với 04 bài học:

Bài 1: Cơ bản về ngành vận tải ô tô Việt Nam và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quản lý hoạt động kinh doanh vận tải.

Nội dung tham khảo gồm 6 phần:

Cơ bản về ngành vận tải ô tô Việt Nam

Vai trò, vị trí của ngành vận tải ô tô Việt Nam

Vài nét về tình hình tai nạn giao thông đường bộ

Những nội dung cơ bản về quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động vận tải

Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý lái xe, nhân viên phục vụ trên xe trong hoạt động vận tải.

Bài 2: Bồi dưỡng nghiệp vụ vận tải cho người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và đảm bảo an toàn giao thông.

Nội dung tham khảo gồm 5 phần:

Đặc điểm nghề nghiệp

Các nghiệp vụ cơ bản của lái xe và nhân viên phục vụ trên xe

Văn hóa ứng xử của lái xe và nhân viên phục vụ trên xe

Khuyến cáo đối với lái xe và nhân viên phục vụ trên xe

Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải

Bồi dưỡng nghiệp vụ vận tải cho người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe

Bài 3: Rèn luyện nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người lái xe kinh doanh vận tải và nhân viên phục vụ trên xe.

Nội dung tham khảo gồm 3 phần:

Khái niệm về đạo đức và đạo đức nghề nghiệp

Đạo đức nghề nghiệp của lái xe và nhân viên phục vụ trên xe kinh doanh vận tải bằng ô tô trong giai đoạn hiện nay.

Rèn luyện nâng cao đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ trên xe kinh doanh vận tải bằng ô tô

Bài 4: Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng người lái xe kinh doanh vận tải, nhân viên phục vụ trên xe.

Nội dung tham khảo gồm 3 phần:

Trách nhiệm của đơn vị vận tải trong việc tuyển dụng, đào tạo, quản lý và sử dụng lái xe.

Trách nhiệm của cơ quan kiểm tra, kiểm soát trên đường bộ

Trách nhiệm của tổ chức công đoàn, hiệp hội đối với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe kinh doanh vận tải hành khách.

Nội dung tập huấn theo chương trình khung do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành

5. Chứng chỉ, chứng nhận

Sau khi kết thúc chương trình và đáp ứng các điều kiện về đánh giá học tập.

Học viên đạt yêu cầu sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa tập huấn nghiệp vụ vận tải và ATGT cho người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe do Trường Cán bộ quản lý giao thông vận tải cấp.

Giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ lái xe kinh doanh vận tải hay còn gọi là Thẻ tập huấn tài xế.

Thẻ tập huấn có hiệu lực trong thời gian 03 năm dùng trong quy trình lái xe vận tải hàng hóa và phải được cập nhật sau khi hết hạn.

Được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa tập huấn nghiệp vụ vận tải và ATGT

III. Quy định về tiêu chuẩn của Cán bộ tập huấn

Cán bộ tập huấn nghiệp vụ phải đáp ứng các điều kiện sau:

Là giáo viên chuyên ngành vận tải của các trường từ trung cấp trở lên có đào tạo chuyên ngành vận tải đường bộ.

Trong trường hợp tập huấn cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe: cán bộ tập huấn phải là người có trình độ chuyên ngành vận tải từ trung cấp trở lên.

Hoặc có trình độ cao đẳng, đại học chuyên ngành khác và có kinh nghiệm tối thiểu 03 năm về quản lý, điều hành vận tải đường bộ.

Trong trường hợp tập huấn cho người điều hành vận tải: cán bộ tập huấn phải là người có trình độ chuyên ngành vận tải từ cao đẳng trở lên.

Hoặc có trình độ đại học chuyên ngành khác và có kinh nghiệm tối thiểu 03 năm về quản lý, điều hành vận tải đường bộ.

Cán bộ tập huấn nghiệp vụ phải đáp ứng các điều kiện quy định

IV. Điều kiện để đơn vị kinh doanh vận tải tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông cho người lái xe

Đơn vị kinh doanh vận tải chịu trách nhiệm tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông cho người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và đáp ứng các yêu cầu:

Đảm bảo thực hiện đúng quy định về đối tượng tập huấn, nội dung tập huấn, thời điểm tập huấn và cán bộ tập huấn

Trong quá trình tổ chức tập huấn đơn vị kinh doanh vận tải được phối hợp với đơn vị khác để tổ chức tập huấn nghiệp vụ lái xe.

Như đơn vị vận tải khác, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, hiệp hội vận tải ô tô địa phương.

Cơ sở đào tạo người lái xe ô tô, trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của bộ, cơ quan ngang bộ.

Các trường đào tạo từ trung cấp trở lên (các trường có chuyên ngành vận tải).

Trước khi tổ chức tập huấn, đơn vị tổ chức tập huấn thông báo đến Sở Giao thông vận tải địa phương về kế hoạch tập huấn.

Thông tin địa điểm, danh sách cán bộ tập huấn và danh sách học viên tham dự tập huấn để kiểm tra, giám sát.

Cấp Giấy chứng nhận đối với những người đã hoàn thành tập huấn, lưu hồ sơ chương trình tập huấn và kết quả tập huấn tối thiểu trong 03 năm.

Đơn vị tổ chức tập huấn phải thông báo Sở GTVT địa phương về kế hoạch tập huấn

V. Nơi cấp giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ lái xe kinh doanh vận tải

Theo quy định của pháp luật, đơn vị tổ chức tập huấn sẽ cấp Giấy chứng nhận đối với người đã hoàn thành tập huấn.

Đồng thời lưu hồ sơ tập huấn và kết quả tập huấn tối thiểu 03 năm.

Như vậy, đơn vị tổ chức lớp tập huấn như cơ quan, đơn vị sẽ có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận và thủ trưởng cơ quan, đơn vị đó là người ký giấy chứng nhận.

Đơn vị kinh doanh vận tải được tổ chức hoặc phối hợp với hiệp hội vận tải ô tô địa phương hoặc cơ sở đào tạo lái xe để tổ chức tập huấn cho lái xe kinh doanh vận tải và nhân viên trên xe.

Theo đó, đơn vị kinh doanh vận tải sẽ cấp thẻ tập huấn nghiệp vụ lái xe cho tài xế và nhân viên trên xe.

Sở giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Hiệp hội vận tải ô tô địa phương (nếu có) tổ chức tập huấn cho người điều hành vận tải của các đơn vị kinh doanh vận tải thuộc địa phương.

Vậy Sở giao thông vận tải sẽ cấp giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ vận tải cho người điều hành vận tải của các đơn vị kinh doanh vận tải.

Đơn vị kinh doanh vận tải cấp thẻ tập huấn cho tài xế và nhân viên trên xe

VI. Các bước tiến hành tập huấn nghiệp vụ tài xế

Bước 1: Lập danh sách, lý lịch trích ngang người tham gia tập huấn

Bao gồm: Họ tên, ngày tháng năm sinh, chức vụ, nơi cư trú, trình độ chuyên môn, số điện thoại liên hệ.

Bước 2: Lựa chọn cán bộ tập huấn đủ điều kiện theo quy định, xây dựng nội dung, chương trình chi tiết lớp tập huấn.

Lập danh sách cán bộ tập huấn, địa điểm thực hiện, công tác hậu cần, giáo án, bộ đề kiểm tra.

Dự trù kinh phí, phát hành giấy thông báo mở lớp tập huấn cho người điều hành vận tải.

Bước 3: Báo cáo Sở Giao thông vận tải địa phương về kế hoạch tập huấn, địa điểm, danh sách cán bộ tập huấn và danh sách học viên tham dự tập huấn để kiểm tra, giám sát.

Trường hợp đơn vị tổ chức tập huấn không thông báo đến Sở Giao thông vận tải theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều này hoặc không đảm bảo yêu cầu tại điểm a khoản 5 Điều này.

Sở Giao thông vận tải sẽ không công nhận kết quả đã tập huấn và yêu cầu đơn vị tổ chức tập huấn phải thực hiện tập huấn lại theo đúng quy định.

Bước 4: Tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông cho học viên.

Sở Giao thông vận tải sẽ cử cán bộ giám sát trực tiếp hoặc giám sát thông qua camera theo dõi trực tuyến việc tập huấn của đơn vị tổ chức.

Bước 5: Đơn vị tổ chức tập huấn cấp Giấy chứng nhận đối với những người đã hoàn thành tập.

Lưu hồ sơ chương trình tập huấn và kết quả tập huấn tối thiểu trong 03 năm.

Tổ chức tập huấn nghiệp vụ tài xế theo quy trình cụ thể

VII. Lái xe không có chứng chỉ tập huấn nghiệp vụ tài xế xử phạt thế nào?

Theo quy định tại khoản 10 Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi sử dụng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe để tham gia kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Mà không được tập huấn, hướng dẫn về nghiệp vụ vận tải hành khách và an toàn giao thông theo quy định sẽ bị phạt hành chính.

(Đối với hình thức kinh doanh vận tải có quy định lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ)

Phạt tiền

Từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân.

Từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải.

Hình thức phạt bổ sung

Tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 01 đến 03 tháng (nếu có hoặc đã được cấp) đối với xe vi phạm.

Biện pháp khắc phục

Buộc phải tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho lái xe và nhân viên phục vụ trên xe theo quy định.

Phạt hành chính nếu không có chứng nhận tập huấn nghiệp vụ lái xe

VIII. Các giấy tờ khác tài xế cần mang theo khi tham gia kinh doanh vận tải bằng ô tô và mức phạt tương ứng

1. Giấy đăng ký xe

Trường hợp không có Giấy đăng ký xe theo quy định hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe đã hết hạn sử dụng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc)

Người điều khiển ô tô bị phạt từ 2 – 3 triệu đồng.

Ngoài ra còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 – 3 tháng, bị tạm giữ phương tiện đến 7 ngày trước khi ra quyết định xử phạt.

Trường hợp nếu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện (không có giấy tờ, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe hoặc giấy tờ, chứng từ nguồn gốc xe hợp pháp) thì bị tịch thu phương tiện.

Trường hợp không mang theo Giấy đăng ký xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).

Người điều khiển ô tô sẽ bị phạt tiền từ 200.000 – 400.000 đồng.

Không có Giấy đăng ký xe bị phạt từ 2 – 3 triệu đồng

2. Giấy phép lái xe

Trường hợp không có giấy phép lái xe, hoặc sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc sử dụng giấy phép lái xe bị tẩy xóa.

Người điều khiển ô tô sẽ bị phạt từ 10 – 12 triệu đồng.

Trường hợp không mang theo giấy phép lái xe

Người điều khiển phương tiện sẽ phạt tiền từ 200.000 – 400.000 đồng.

Theo đó, nếu người lái xe có Giấy phép lái xe quốc tế được cấp bởi các quốc gia tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 (trừ giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo sẽ bị phạt từ 5 – 7 triệu đồng.

Người điều khiển ô tô không có giấy phép lái xe sẽ bị phạt từ 10 – 12 triệu đồng

3. Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (Sổ đăng kiểm)

Trường hợp không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên.

Người điều khiển ô tô bị phạt tiền từ 4 – 6 triệu đồng.

Trường hợp Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 01 tháng.

Người điều khiển ô tô sẽ bị phạt từ 3 – 4 triệu đồng.

Trường hợp không mang theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường

Người điều khiển xe bị phạt tiền từ 200.000 – 400.000 đồng.

Điều khiển phương tiện không có giấy chứng nhận đăng kiểm sẽ bị phạt theo quy định

4. Bảo hiểm xe

Nếu người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn hiệu lực sẽ bị phạt từ 400.000 – 600.000 đồng.

5. Phù hiệu xe chạy hợp đồng

Trường hợp xe kinh doanh vận tải không dán phù hiệu mà lưu thông trên đường, không chỉ tài xế bị phạt mà ngay cả chủ xe cũng đồng thời bị xử phạt.

Đối với người điều khiển phương tiện

Phạt tiền từ 5 – 7 triệu đồng khi điều khiển xe không có hoặc không gắn phù hiệu ô tô theo quy định về phù hiệu (đối với các xe có quy định phải gắn phù hiệu).

Hoặc có gắn phù hiệu nhưng đã hết giá trị sử dụng hoặc tự ý gắn phù hiệu ô tô không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện quy định về phù hiệu không gắn phù hiệu ô tô còn bị bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

Đối với chủ phương tiện

Phạt tiền từ 12 – 16 triệu đồng đối với đơn vị giao phương tiện kinh doanh vận tải cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện vi phạm quy định về phù hiệu.

Xe kinh doanh vận tải không dán phù hiệu cả tài xế và chủ xe đều bị phạt

6. Giấy vận tải

Nếu quên mang theo giấy vận tải thì người điều khiển xe sẽ bị phạt từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

7. Giấy khám sức khỏe định kỳ

Không có giấy khám sức khỏe định kỳ cho lái xe sẽ bị áp dụng mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với cá nhân.

Từ 20.000.000 đồng đến 24.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải.

Không có giấy khám sức khỏe định kỳ cho lái xe sẽ bị phạt tiền

Trên đây là thông tin toàn diện về tập huấn nghiệp vụ tài xế Ô Tô Phú Cường gửi đến các bác tài.

Giúp bác tài cũng như các đơn vị kinh doanh vận tải biết được những quy định về tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông khi lái xe kinh doanh vận tải.

Từ đó thực hiện đúng theo các quy định pháp luật khi tham gia giao thông an toàn, tránh bị phạt.


Nếu các bác tài đang có nhu cầu mua xe tải chất lượng, giá tốt nhất thị trường, liên hệ ngay với Phú Cường để được tư vấn và nhận quà tặng hấp dẫn trị giá lên đến 100 triệu đồng.

Otophucuong.vn